Công dụng hạ phèn và cải tạo đất nhiễm mặn của vôi
Trong canh tác nông nghiệp, việc sử dụng vôi ngoài tác dụng bổ sung can-xi (Ca) cho cây trồng như một dạng phân bón thì còn giúp hạn chế được tác hại của mặn và phèn trong đất gây ra đối với cây trồng. Trong sản xuất nông nghiệp, các loại vôi bột sử dụng phổ biến hiện nay gồm có :
- Bột đá vôi (CaCO3), có tỷ lệ CaO từ 31,6-56%, loại này tác dụng chậm.
- Vôi nung (CaO), thường lẫn một ít Ca(OH)2 và CaCO3, có tác dụng mạnh và nhanh hơn bột đá vôi.
- Vôi tôi (Ca(OH)2), tác dụng của dạng vôi này khá nhanh.
- Vôi thạch cao (CaSO4), có chứa 56% CaO, ngoài ra còn chứa lưu huỳnh, có tác dụng cải tạo tốt đất mặn, đất kiềm.
Đất khu vực ĐBSCL đa phần là đất nhiễm phèn sắt, tập trung ở những ruộng thấp trũng, úng và đất ngã màu nâu đỏ của rỉ sắt, trên mặt nước đôi khi cũng xuất hiện lớp váng màu này. Phèn sắt làm bộ rễ lúa kém phát triển hoặc chết với các biểu hiện điển hình là rễ bị thối rữa, đen, tầng lông hút của rễ hư hại ; từ đó cây lúa không thể hút dinh dưỡng trong đất nên tăng trưởng chậm, đẻ nhánh ít, trên lá xuất hiện những vết, sọc nhỏ ngắn có màu nâu đỏ, cây lúa suy kiệt dần rồi chết.
Đối với các chân ruộng gò hay khi ruộng gặp khô hạn nặng, đất bị nứt nẻ (xì phèn) thì ngoài phèn sắt thường xuất hiện dạng phèn nhôm (phèn lạnh). Phèn nhôm có biểu hiện dễ quan sát là một lớp màu trắng giống như muối (sunphát-nhôm), chúng ngăn chặn sự hấp thu nước của lúa nên lá bị khô, cuốn mép, bộ rễ bị quăn queo, dị dạng và dễ gẫy. Nếu tình trạng ngộ độc phèn nhôm kéo dài, lá lúa trở nên vàng úa, cây lúa còi cọc và chết.
Việc sử dụng vôi sẽ cung cấp Ca để giải độc cho cây trồng do Ca tác dụng gia cố vách tế bào cây lúa, tăng khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi của nắng nóng, mặn và phèn và trực tiếp làm tăng độ pH đất, nước. Cách xử lý vôi đối với ruộng lúa bị ngộ độc phèn là cho rút nước trên ruộng rồi bơm nước mới vào thay thế để hòa loãng độc tố của sắt hoặc nhôm trong đất ; sau đó, bón khoảng 200-300 kg vôi bột/ha để nâng pH của đất, giúp bộ rễ nhanh chóng thoát khỏi tình trạng bị ngộ độc phèn.
Đối với việc cải tạo đất nhiễm mặn ; đặc biệt là vào mùa khô thường xảy ra hiện tượng xâm nhập mặn vào nội đồng làm đất trở nên rời rạc, chai cứng, cây trồng không hút được nước và dưỡng chất. Khi đó, việc sử dụng vôi với tác dụng tăng cường sự vững chắc của tế bào rễ sẽ rất cần thiết cho lúa ở thời điểm mới sạ chống lại các tác hại gây ra do muối mặn. Trên chân đất nhiễm mặn và có phèn thì nên bón loại vôi nung (CaO) để vừa rửa mặn vừa hạ phèn, còn với đất mặn không có phèn nên bón vôi thạch cao (CaSO4) với liều lượng khoảng 300-500 kg/ha rải đều trên đất ruộng đã được cày xới và ngập nước. Sau khi rải vôi, cho bừa hoặc trục để vôi được trộn đều trong đất, sau đó ngâm nước 1-2 ngày rồi rút bỏ nước này.
Cần lưu ý thêm là việc bón vôi để cải tạo đất cần thực hiện sớm (bón lót) trước khi bón các loại phân khác ít nhất 1 tháng, cần đảo đất đều sau khi bón vôi nhưng không cần phải lấp vôi quá sâu vì chủ yếu dùng vôi để cải tạo lớp đất mặt và vùng đất quanh rễ cây trồng. Ngoài ra, không nên trộn vôi với phân chuồng, phân có gốc NH4+ như (NH4)2SO4, hoặc súp-pe lân vì dễ gây thất thoát đạm...
Công ty TNHH Khoáng Sản Xanh / 0 Bình luận / 07/ 12/ 2016