Một số mô hình nuôi tôm an toàn dịch bệnh đạt hiệu quả cao

Quảng Ngãi: Một số mô hình nuôi tôm an toàn dịch bệnh đạt hiệu quả cao.

Thời gian qua, môi trường nước ngày càng ô nhiễm, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp nên diện tích nuôi tôm tại tỉnh Quảng Ngãi bị bỏ hoang tăng nhanh. Để khôi phục nghề nuôi tôm, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi đã triển khai xây dựng các mô hình nuôi tôm an toàn dịch bệnh như: mô hình nuôi tôm chân trắng trên ao lót bạt sử dụng nguồn nước cấp từ ao nuôi cá rô phi, mô hình nuôi ghép tôm sú với cá đối mục hay cá dìa, cá măng. Sau một thời gian triển khai, các mô hình này đã đạt hiệu quả cao, giúp hàng chục hécta, hàng trăm ao hồ nuôi tôm ở các xã Bình Châu, Tịnh Hòa, Tịnh Khê hồi sinh sau một thời gian dài im ắng do dịch bệnh.

 Theo đánh giá của ngành chức năng, tình trạng vùng nuôi bị ô nhiễm hiện nay không cho phép người dân thả nuôi với phương pháp cũ mà phải dần thay đổi để thích nghi thông qua các mô hình, giải pháp mới đang được chuyển giao. Tùy từng loại tôm và từng vùng nuôi mà áp dụng những cách nuôi, cách chăm sóc khác nhau. Tại vùng nuôi tôm trên cát ở 2 huyện Đức Phổ và Mộ Đức, một số hộ đang áp dụng mô hình nuôi tôm hai giai đoạn. Riêng ở xã Phổ An, Phổ Quang, huyện Đức Phổ, nhờ kỹ thuật nuôi tôm hai giai đoạn đã khôi phục được 1/3 diện tích trên tổng diện tích nuôi tôm của địa phương. Cách nuôi này khác với cách nuôi cũ là giống tôm trước khi thả ra hồ nuôi đại trà đã được ươm nuôi một thời gian trong điều kiện được chăm sóc, theo dõi tốt nhất. Nhờ đó con tôm khi thả nuôi đại trà nhanh chóng thích nghi với môi trường mới, khỏe mạnh, chống chịu tốt với dịch bệnh.

Năm 2016, hộ anh Bùi Min ở thôn Xuân An, xã Tịnh Hòa, thành phố Quảng Ngãi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn tham gia mô hình nuôi ghép tôm sú với cá đối mục. Kết quả, mô hình của anh thu được gần 5 tạ cá đối và 4 tạ tôm sú. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh Min còn lãi trên 60 triệu đồng. Ưu điểm của mô hình này là khi nuôi ghép tôm sú với cá đối mục thì cá đối sẽ ăn thức ăn thừa của tôm, các chất mùn bã hữu cơ, rong rêu trong ao nuôi làm cho môi trường nước trong sạch, giúp tôm sú hầu như không nhiễm dịch bệnh, phát triển nhanh. Đặc biệt khi thu hoạch giá trị cá đối cũng rất cao và đầu ra ổn định. Ngoài ra, ông Nguyễn Thanh Ba, ở xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức cũng cho biết, nhờ áp dụng kỹ thuật nuôi tôm chân trắng trên hồ lót bạt sử dụng nguồn nước cấp từ ao nuôi cá rô phi đã giúp cho nghề nuôi tôm của gia đình ông không bị gián đoạn và tương đối thành công trước tình hình dịch bệnh xảy ra khắp nơi.

Trong quá trình triển khai các mô hình, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi đã tổ chức 4 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi cho hơn 100 hộ dân nuôi tôm các xã Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ (thành phố Quảng Ngãi), xã Đức Thắng (huyện Mộ Đức) và xã Bình Châu (huyện Bình Sơn). Khi kết thúc mô hình, Trung tâm đã tổ chức hội thảo tổng kết và thăm quan thực tế mô hình cho gần 200 nông dân trong và ngoài mô hình. Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết, về mặt sinh học, những mô hình trên có tính an toàn tương đối cao và bền vững, có thể phát triển trên diện rộng. Sắp tới, Chi cục Thủy sản sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn bà con trên địa bàn tỉnh áp dụng rộng rãi các mô hình này.

Công ty TNHH Khoáng Sản Xanh / 0 Bình luận / 07/ 01/ 2017

Viết bình luận