Giải pháp phát triển ngành nuôi tôm bền vững tại Việt Nam

Giải pháp phát triển ngành tôm Việt Nam bền vững

Ngày 15-11, tại Hội nghị đối thoại bàn tròn trong khuôn khổ chương trình Hợp tác Công-Tư ngành thủy sản (PPP) với chủ đề “Làm thế nào để nâng cao lợi thế canh tranh cho ngành tôm Việt Nam”  tổ chức tại Cần Thơ, các đơn vị tham gia cùng bàn thảo giải pháp phát triển ngành tôm Việt Nam.

Theo đánh giá của Tổng cục thủy sản, nuôi trồng thuỷ sản là một trong những ngành sản xuất kinh doanh, hoạt động kinh tế nằm trong tổng thể phát triển kinh tế –xã hội quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là ngành sản xuất và tiêu thụ tôm.

Hiện nay, một “nghịch lý” vẫn  xảy ra và dường như chỉ có ở Việt Nam, đó là tình trạng giá thành tôm nuôi luôn rất cao (so với các nước cạnh tranh chính như Ấn Độ, Thái Lan,…) nhưng người nuôi lại khó giàu và hứng chịu nhiều rủi ro. Với thực tế giá thành tôm Việt Nam cao hơn so với nhiều nước nên hiệu quả sản xuất kinh doanh tôm của Việt Nam giảm. Câu hỏi được các doanh nghiệp đặt ra tại hội nghị “Làm thế nào để người sản xuất trong chuỗi cung ứng tôm Việt Nam tăng được khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới?”

Ông Trần Đình Luân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản khẳng định: Bộ Nông  nghiệp và Phát triển nông thôn luôn ưu tiên hàng hàng đầu trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam. Trong đó, sự tham gia của các đối tác bao gồm các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và doanh nghiệp sản xuất cũng như toàn thể nông dân nuôi tôm là điều hết sức cần thiết đối với sự phát triển bền vững ngành thủy sản.

Việc hợp tác này sẽ giúp khai thác tối đa cơ chế minh bạch thông tin đầu vào sản xuất, tăng cường hợp tác trong chuỗi cung ứng, thể hiện nền tảng cho sự hợp tác giữa hai khối nhà nước- tư nhân, góp phần tăng lợi nhuận bằng việc giảm chi phí đầu vào sản xuất để tối ưu hóa lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

TS. Christian Henckes, Cố vấn trưởng Chương trình GIZ/ICMP cho rằng: “Thách thức lớn của ngành tôm Việt Nam trong thời gian tới khi gia nhập TPP, đó là đáp ứng các quy tắc xuất xứ và chất lượng sản phẩm, chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ  từ các thị trường khác, đối mặt với rào cản kỹ thuật với việc tự do hóa thương mại và lao động trong ngành thủy sản. Chính vì thế, việc các chủ thể trong ngành, bao gồm người sản xuất, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu, và đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp đầu vào như giống, thức ăn và thuốc luôn đóng vai trò quyết định chuỗi giá trị của ngành tôm. Nếu Việt Nam có những giải pháp đầu vào hữu hiệu để giảm chi phí sản xuất thì ngành tôm sẽ có lợi thế cạnh tranh với các nước xuất khẩu tôm trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Ấn Độ”.

Một số đại biểu khác cũng cho rằng, đến lúc cần phải phát huy lợi thế của ngành tôm Việt Nam thông qua việc minh bạch hóa đầu vào sản xuất và tăng cường việc thực thi các biện pháp để nâng cao chất lượng giống, thức ăn là điều kiện tiên quyết để đưa ngành tôm hướng đến phát triển bền vững hơn và khẳng định lợi thế của tôm Việt Nam trên thị trường toàn cầu. 

Công ty TNHH Khoáng Sản Xanh / 0 Bình luận / 17/ 11/ 2016

Viết bình luận